Phát triển giáo dục mầm non, nâng cao năng lực toàn diện của  trẻ, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ Ba, ngày 29 tháng 10 năm 2024 - 10:29 Đã xem: 2019

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để phát triển nguồn nhân lực không thể chỉ tập trung vào các giai đoạn giáo dục phổ thông hay đại học mà cần bắt đầu từ rất sớm, ngay từ bậc mầm non. Giáo dục mầm non không chỉ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản mà còn đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển nhân cách và năng lực toàn diện của trẻ em, qua đó góp phần tạo nên nguồn lực chất lượng cao trong tương lai.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Giáo dục mầm non cho trẻ nhà trẻ 3 tháng đến 36 tháng tuổi và trẻ mẫu giáo 3 tuổi đến 6 tuổi nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1. Chính vì vậy, giáo dục mầm non cho trẻ em giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai và được coi là “Giai đoạn vàng”, “Thời kỳ vàng” đối với phát triển của con người, tạo nền móng cho sự phát triển của trẻ em trong tương lai. Trẻ em được tiếp cận với giáo dục mầm non càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của trẻ ở các cấp học tiếp theo [1].

Ngày 05/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bao gồm cả giáo dục mầm non.

 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ chăm lo phát triển giáo dục mầm non: Tăng cường giáo dục, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em.Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống 20%.

Trên địa bàn cả nước, giáo dục mầm non đã có bước phát triển vượt bậc, tạo niềm tin trong Nhân dân, phụ huỵnh yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Mạng lưới trường, lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường. Trong đó, bao gồm cả các nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số. Các cấp ủy, chính quyền  địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng kiên cố, chuẩn hóa; thực hiện khá tốt công tác quản lý, sử dụng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên góp phần bổ sung giáo viên mầm non.

Toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2017. Đến năm học 2020-2021, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 713/713 (100%) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, 99,3% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động trẻ mầm non các độ tuổi được học mẫu giáo có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3 tuổi đến 4 tuổi cả nước mới đạt 90,4%; tỷ lệ trẻ em độ tuổi nhà trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non còn mới đạt 28% đã ảnh hưởng đến sự bền vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Mặc dù, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhưng vẫn còn có xã chưa đạt chuẩn.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đang áp dụng một hoặc nhiều phương pháp giáo dục hiện đại như: Phương pháp giáo dục tích hợp STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán học) [2], Phương pháp giáo dục Montessori, Phương pháp giáo dục Reggio Emilia, Phương pháp giáo dục Glenn Doman, Phương pháp giáo dục Steiner, Phương pháp play-based learning (học tập thông qua vui chơi), Phương pháp dạy trẻ phát triển trí tuệ Shichida. Đây đều là những mô hình giáo dục tập trung vào việc phát triển tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng hợp tác của trẻ ngay từ những năm đầu đời.

Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ yêu cầu về kiến thức chuyên môn mà còn đòi hỏi các kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và khả năng giải quyết vấn đề. Những yếu tố này cần được xây dựng ngay từ giai đoạn mầm non. Bằng cách khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động sáng tạo, giải quyết vấn đề và hợp tác, giáo dục mầm non giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng này từ sớm.

Ngày 22/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo số 173/TB-VPCP, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về "Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Thông báo nêu: Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Xây dựng, phát triển con người cần phải đặt nền móng từ những năm đầu đời. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ việc đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi. Ủy ban nhân dân  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn; tiếp tục thực thi đầy đủ và có hiệu quả cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ theo các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước để thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển giáo dục mầm non tại địa phương; rà soát, nghiên cứu và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn đối với giáo dục mầm non tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương [3].

Tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Nghị quyết số 73/NQ-TU, ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang, khóa XVI, về huy động trẻ  đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh với kết quả tích cực. Tỉnh ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non, như Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND, ngày 01/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về một số điều khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ và các chính sách cho trẻ em công nhân. Dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, kết quả huy động trẻ 3 tháng đến 36 tháng tuổi đi nhà trẻ, đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đã tăng lên 655 nhóm trẻ với 12.691/25.096 trẻ, đạt tỷ lệ 50,6 %, cao hơn mức bình quân cả nước (28,2%), tăng 1,1% so với kế hoạch năm 2024. Kết quả chăm sóc, giáo dục trẻ 100% trẻ nhà trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được chăm sóc, giáo dục theo đúng nội dung, chương trình của Bộ giáo dục và đào tạo; 100% trẻ nhà trẻ được chăm sóc y tế, kiểm tra sức khỏe định kì, được theo dõi biểu đồ tăng trưởng theo quy định; tỉ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: 5,2%< 10% chỉ tiêu. Công tác xã hội hóa nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ. Sự phát triển của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã đóng góp vào kết quả chung: toàn tỉnh có 60 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với 4 trường mầm non và 56 nhóm trẻ độc lập;  tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ngoài công lập đạt 10,6%.

Phát triển giáo dục mầm non, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi là vấn đề đặt ra thu hút sự quan tâm của xã hội, là nhu cầu, nguyện vọng của mỗi gia đình, cộng đồng và địa phương. Giáo dục mầm non thời gian tới cần có bước phát triển mới, chuyển biến lớn, đáp ứng yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non của thế giới. Giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi ở mọi vùng miền. Đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, liên thông với giáo dục phổ thông. 

 Trong các giai đoạn tiếp theo, Việt Nam đã và đang tăng cường hài hòa hệ thống tiêu chuẩn giáo dục quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt trong việc thực hiện các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia về bảo vệ quyền trẻ em, nâng cao chất lượng giáo dục và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đã đề ra. Để đảm bảo rằng, mọi trẻ em, dù ở thành thị hay nông thôn, đều được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao. Giáo dục mầm non sẽ tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển nhân cách và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Đầu tư vào giáo dục mầm non là nền tảng để hình thành nhân cách và năng lực tốt, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quốc gia dân tộc trong tương lai. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc chú trọng phát triển giáo dục mầm non sẽ giúp Việt Nam xây dựng một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và sẵn sàng tham gia vào các thách thức của thời đại mới.

Đỗ Hồng Thanh

1. TS. Lê Thị Mai Hoa, Yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong tình hình mới, Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương, 05/9/2022.

2. Văn Thị Minh Tư, Giáo dục STEAM trong tổ chức hoạt động giáo dục ở trường mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, Tạp chí Giáo dục (2022), 22(11), 1-6.

3. TTXVN; Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tuyên giáo, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, 23/4/2024.

 

 

 

                                                                                                                            

Xem tin theo ngày:   / /